Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện tử với sự góp mặt của các thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Canon, Intel… Tuy nhiên, điều đáng nói, Việt Nam vẫn nằm ở đáy của “đường cong nụ cười” do chủ yếu làm lắp ráp, gia công nên giá trị gia tăng thấp.
Thống kê cho thấy, chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam đã hình thành với sự dẫn dắt của các tập đoàn hàng đầu thế giới. Trong đó, Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với 4 nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư khoảng 22,4 tỷ USD. Hiện điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của Samsung trên toàn cầu. Tiếp đó là các dự án tỷ USD của LG, Intel.
Nhiều doanh nghiệp điện tử Trung Quốc muốn tới Việt Nam
Cùng với đó, nhiều ông lớn công nghệ Nhật Bản đầu tư vào sản xuất điện tử tiêu dùng, và một loạt chuỗi cung ứng của Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron mới vào Việt Nam trong thời gian đại dịch COVID-19 đến nay.
Việt Nam được đánh giá là trung tâm sản xuất điện tử của thế giới.
Việt Nam được đánh giá khá thành công trong quá trình thu hút FDI, từ đó hình thành chuỗi cung ứng ngành điện tử với lợi thế nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào.
Gần đây, nhiều đại gia ngành điện tử Trung Quốc muốn xây dựng chuỗi cung ứng sâu rộng ở Việt Nam. Ông Wilson Wu, Phó Chủ tịch Công ty Global Sources, cho biết kết quả khảo sát của đơn vị này cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên mà các doanh nghiệp điện tử Trung Quốc muốn đến khi “xuất ngoại”. Hay nói cách khác Việt Nam là quốc gia mục tiêu, thị trường không thể bỏ qua cho sự mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến dòng vốn tỷ USD đầu tư vào ngành này nhưng rõ ràng ở Việt Nam vẫn còn khoảng trống về phát triển điện tử và thời cơ đang rất lớn”, ông Wilson Wu đánh giá.
Vị đại diện Global Sources còn ví von rằng: “Nếu nói ngành điện tử thế giới là rồng thì đầu rồng đang đặt tại Việt Nam”.
Việt Nam được đánh giá sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh gay gắt của Mỹ và Trung Quốc và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang các thị trường tiềm năng đang được đẩy nhanh. Theo Nikkei Asia, trong danh sách nhà cung cấp hàng đầu của Apple, 37% nhà cung cấp của họ tại Việt Nam là các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam dự báo rằng trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vì vậy, ông nghĩ sẽ có nhiều cơ hội ở đây và Electronics vẫn đang cố gắng mở rộng và nắm bắt cơ hội. “Trong ngắn hạn, chúng tôi có thể cam kết rằng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở Hải Phòng”, ông hé lộ thông tin.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 2 về nước xuất khẩu điện thoại không dây, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính. "Con số ấn tượng, tự hào, nhiều quốc gia phải ngưỡng mộ. Nhiều lần tôi sang Ấn Độ làm việc với họ đều thấy rằng họ rất ngưỡng mộ Việt Nam, nhiều chính sách về phát triển điện tử của Việt Nam cũng được Ấn Độ học tập", bà Hương nói.
Tuy vậy, đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng Việt Nam vẫn ở đáy "đường cong nụ cười" trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam, những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như R&D, thiết kế, phân phối..., nhưng doanh nghiệp Việt chưa tham gia được. Doanh nghiệp Việt chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp.
Doanh nghiệp Việt cần nhìn thấu cơ hội
Trong khi đó, theo sau các dự án FDI lớn về gia công lắp ráp của các ông lớn đầu chuỗi, những năm kế tiếp sau đó, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện/cụm linh kiện gia tăng đáng kể.
Cụ thể, những năm 2013-2014, ghi nhận số vốn đầu tư vào hạng mục gia công lắp ráp thì giai đoạn 2015 - 2017, Việt Nam thu hút được nhiều dự án quy mô lớn ở hạng mục này. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở giai đoạn 2019 đến nay khi số lượng dự án quy mô vốn gia tăng, ấn tượng với những dự án lớn như Foxconn đầu tư 435 triệu USD sản xuất, lắp ráp máy tính bảng; tiếp đó công ty con của Foxconn cũng đầu tư dự án 621 triệu USD để sản xuất linh kiện, điện tử. ..
"Hy vọng trong tương lai không xa, công nghiệp điện tử bứt phá có giá trị cao hơn chuỗi cung ứng như thiết kế, marketing, nhích dần lên đường cong nụ cười", bà Hương kỳ vọng.
Nguyên nhân theo bà Hương là do các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ nên năng lực còn hạn chế. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp điện tử ngấm đòn vì tác động của đại dịch COVID-19 và biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Dẫn tới, CEO của một số doanh nghiệp có suy nghĩ tiêu cực, chán nản, giải tán hàng loạt bộ phận sản xuất truyền thống.
Trước thực trạng trên, bà Hương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn thấu cơ hội, suy nghĩ tích cực. “Các doanh nghiệp trong nước cần bắt tay hợp tác với nhau để tìm kiếm cơ hội về đơn hàng, nỗ lực chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử khuyến nghị.
Nhấn mạnh về trọng tâm phát triển nguồn nhân lực, lãnh đạo Electronics Việt Nam kiến nghị Chính phủ nên quan tâm hỗ trợ các kỹ sư trẻ, đặc biệt nên hỗ trợ đào tạo tại các trường đại học. Vị lãnh đạo này phủ nhận thông tin rằng: “Nhiều ý kiến nói doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa chia sẻ đầy đủ về công nghệ là không đúng. Nếu các kỹ sư Việt Nam hiểu đầy đủ, họ có thể dễ dàng tiếp nhận và nắm bắt chuyển giao công nghệ hơn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ này nhưng không nhiều kỹ sư có năng lực có thể đảm nhận”.
“Đường cong nụ cười” là phát kiến của Chủ tịch hãng Acer, ông Stan Shih, vào năm 1992. Trục ngang của đồ thị thể hiện “quá trình sản xuất sản phẩm”, được cấu thành từ ba phần. Phần trái là nghiên cứu, phát triển, thiết kế, thương hiệu, bản quyền. Phần giữa là phần gia công và lắp ráp. Phần phải là phân phối, tiếp thị, bán hàng, dịch vụ, hậu mãi. Trục đứng của đồ thị thể hiện “lợi nhuận”. Có thể thấy, vị trí ở giữa đồ thị là vị trí đạt lợi nhuận thấp nhất. Hàm ý của “đường cong nụ cười” là: doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận thì tránh sa đà vào việc tập trung gia công và lắp ráp, mà hãy không ngừng đẩy mạnh hoạt động về hai phía đồ thị.
Nhật Linh - Link gốc