Các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) liên quan đến các công ty Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 đã giảm 45% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, do nhiều nguyên nhân.
Ảnh minh họa
Các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) liên quan đến các công ty Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 đã giảm 45% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, do kinh tế tăng trưởng chậm lại và các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đã cản trở các giao dịch xuyên biên giới.
Tổng giá trị các giao dịch có sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc với tư cách là người mua hoặc người bán đạt khoảng 96 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 6/2024, Nikkei Asia đã tập hợp các số liệu bằng cách sử dụng thông tin từ London Stock Exchange Group.
Giá trị các giao dịch M&A liên quan đến các công ty Trung Quốc đã giảm kể từ nửa đầu năm 2022 và giảm 80% so với mức cao nhất khoảng 470 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7-12/2015, tính trên cơ sở nửa năm. Các giao dịch lớn nhất trong nửa đầu năm nay bao gồm thỏa thuận của nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc Midea Group mua lại bộ phận thiết bị điều hòa không khí Arbonia của Thụy Sỹ. Ngoài ra, công ty đầu tư nhà nước CITIC Group đã công bố việc mua lại 60% cổ phần của China Huarong Asset Management - nay là China CITIC Financial Asset Management - một công ty quản lý tài sản không sinh lời.
Một lý do khiến các thương vụ M&A sụt giảm gần đây là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 6/2024 ở dưới mức 50 - đường phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm - trong tháng thứ hai liên tiếp, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Nhu cầu trong nước chững lại do sự suy giảm kéo dài của lĩnh vực bất động sản nước này và lạm phát cũng chậm lại. Các công ty nước ngoài thấy lợi ích giảm sút khi mở rộng sang Trung Quốc so với Ấn Độ và các nước khác. Các quỹ nước ngoài cũng đang chọn lọc các điểm đến đầu tư của mình do chi phí tăng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và các nơi khác. Số lượng quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc giảm xuống còn 229 quỹ trong năm 2023, lần giảm đầu tiên trong ba năm, công ty tư vấn PwC cho biết.
Chuyên gia Yoshio Tsutsushio, một đối tác tại PwC Advisory, đơn vị tư vấn M&A, cho hay kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm đã khiến việc dự báo lợi nhuận của các công ty trở nên khó khăn, khiến nhiều quỹ đầu tư do dự hơn.
Một trở ngại khác đối với các giao dịch là các quy định ở nhiều quốc gia chặt chẽ hơn. Việc thắt chặt các quy định cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Để đáp ứng các quy tắc của Mỹ, nhà sản xuất hóa chất Nhật Bản Kureha sẽ hủy kế hoạch tăng sản lượng nhựa sử dụng trong sản xuất pin xe điện tại Trung Quốc.
ASML Holding, một công ty sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Hà Lan, cũng cho biết, có tới 15% doanh số bán hàng của mình sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2024 do các hạn chế xuất khẩu của Chính phủ Mỹ và Hà Lan đối với nước này.
Tổng giá trị M&A toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 6/2024 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên 1.300 tỷ USD, tăng lần đầu tiên trong hai năm rưỡi. Nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, các công ty nước này đang có những thương vụ bán rất tích cực, các giao dịch liên quan đến các công ty Trung Quốc chỉ chiếm 8% tổng số, giảm 23% so với khoảng thời gian từ tháng 7-12/2015.
Chuyên gia Tsutsushio nhận định với nhiều chính sách không chắc chắn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, các giao dịch M&A xuyên biên giới giữa các công ty Trung Quốc và nước ngoài khó có thể phục hồi đáng kể trong năm nay.
Vân Anh-Link gốc