Tại cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Brazil, các Bộ trưởng Tài chính của G20 đã nhất trí sẽ hợp tác đánh thuế người siêu giàu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil ngày 25/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tuy nhiên, vẫn phải chờ đợi thêm thời gian để xác định được mức độ tin cậy của cam kết này.
Tại Rio de Janeiro cuối tuần trước, nhân danh cuộc chiến chống bất bình đẳng, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết sẽ “hợp tác” để “những người giàu nhất bị đánh thuế nhiều hơn”. Đây là chủ đề chính trong cuộc họp kéo dài hai ngày 25-26/7 của các đại diện từ nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào ngày 18-19/11 cũng tại Rio.
Tuyên bố chung về “hợp tác thuế quốc tế” của G20 nhấn mạnh: “Với sự tôn trọng hoàn toàn đối với chủ quyền tài chính, chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác để đảm bảo rằng những cá nhân rất giàu sẽ bị đánh thuế một cách hiệu quả. Sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội, đồng thời làm trầm trọng thêm những tổn thương xã hội”. Đồng thời, tuyên bố cho biết các thành viên sẽ ủng hộ “các biện pháp thuế hiệu quả, công bằng và lũy tiến” được áp lên các đối tượng có liên quan.
Theo Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad, từ góc độ đạo đức, 20 quốc gia giàu nhất đang tồn tại một vấn đề: đó là đánh thuế lũy tiến đối với người nghèo thay vì đối với người giàu. Trong cuộc họp báo bế mạc, Bộ trưởng Brazil nhấn mạnh rằng các nước G20 đã nhất trí về sự cần thiết phải “làm việc để có được hệ thống thuế minh bạch, công bằng và hợp lý hơn, bao gồm cả đối với những người siêu giàu, những người phải đóng góp cho xã hội bình đẳng và bền vững hơn”.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva bày tỏ quan điểm: “Tầm nhìn chung của các Bộ trưởng G20 về thuế lũy tiến là kịp thời và đáng hoan nghênh, vì nó thỏa mãn nhu cầu bổ sung dự trữ ngân sách, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển liên quan đến những quyết định khó khăn ở nhiều quốc gia. Việc thúc đẩy công bằng về thuế sẽ góp phần vào sự chấp nhận của xã hội đối với những quyết định này”.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP/TTXVN
Brazil từng thúc đẩy việc thiết lập mức thuế tối thiểu đối với những người giàu nhất nhưng không thành công, đặc biệt do Mỹ từ chối các cuộc đàm phán quốc tế về chủ đề này. Mặc dù muốn người giàu nhất trả tiền để “chia sẻ công bằng”, nhưng đến nay Mỹ vẫn coi việc đánh thuế này “là việc của mỗi quốc gia”. Trong khi đó, Đức công khai phản đối đưa chủ đề này thành một nội dung đàm phán quốc tế.
Ngược lại, Pháp, Nam Phi, Tây Ban Nha và Liên minh châu Phi (AU) lại thể hiện sự ủng hộ đối với việc đánh thuế quốc tế đối với người siêu giàu.
Ông Gabriel Zucman, nhà kinh tế học người Pháp cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước G20 đã đồng ý rằng cách chúng ta đánh thuế người siêu giàu phải được thay đổi”. Ông cũng là tác giả của báo cáo về chủ đề người siêu giàu được lưu hành tại cuộc họp theo yêu cầu của chủ nhà Brazil.
Tuyên bố của G20 nhắc đến các trao đổi thực tiễn và các cơ chế chống trốn thuế có thể được ban hành nhằm khởi động sự hợp tác quốc tế trong thực hành thuế.
Ông Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel Kinh tế đã kêu gọi các nguyên thủ quốc gia và chính phủ có những hành động phối hợp cụ thể khi hướng tới Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới. Còn theo bà Camila Jardim, chuyên gia về chính sách quốc tế của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), cuộc khủng hoảng khí hậu dự kiến sẽ gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và thật không hợp lý khi mong đợi những người nộp thuế bình thường phải trả tiền cho thảm trạng này, trong khi những người siêu giàu lại trốn thuế. Bà đã kêu gọi một chính sách thuế toàn cầu.
Nhưng chặng đường sắp tới còn dài. Bởi về bản chất, mọi sự hợp tác trong vấn đề thuế đều gặp khó khăn khi các quốc gia đều nhạy cảm với chủ quyền tài chính của mình.
Nguyễn Tuyên-Link gốc