Mặc dù ngành chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận khá trong năm 2021 nhưng theo nhìn nhận của SSI, triển vọng tăng trưởng này dường như đã phản ánh vào giá.
Cổ phiếu chứng khoán tăng phi mã: Bao giờ tàn tiệc?
Bất chấp một năm thiệt hại nặng nề do Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2020. Tổng giá trị giao dịch tăng lên 80,3 tỷ USD, tương đương 54% so với cùng kỳ, trong khi đó, VN-Index tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Các công ty chứng khoán niêm yết đã có một năm tích cực với tăng trưởng 107,7% so với cùng kỳ, vượt trội so với thị trường. Từ mức đáy hồi tháng 3, ngành này đã tăng trở lại 219%, cao hơn mức phục hồi 67% của VN-Index. Tất cả các công ty chứng khoán đều tăng giá mạnh, bao gồm
SSI (tăng 126,3%),
VCI (tăng 110%),
VND (tăng 116,5%),
HCM (tăng 52,5%),
SHS (tăng 256,4%),
FTS (tăng 61,8%),
BSI (tăng 58,6%)...
Những tuần đầu năm 2021, cổ phiếu ngành chứng khoán không có mấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán
SSI, năm 2021, các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên là chính sách nới lỏng tiền tệ và triển vọng kinh tế phục hồi. Công ty chứng khoán này cho rằng các chuyến bay thương mại quốc tế sẽ dần được khởi động lại từ quý II/2021 với lượng khách quốc tế tăng theo, tiêu dùng trong nước và đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện vào năm 2021.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng thận trọng, với lãi suất thị trường sẽ duy trì gần mức đáy cho đến giữa năm, trong khi đồng USD giảm giá so với
VND. Tăng trưởng tín dụng sẽ khoảng 13-14%, cao hơn mức hơn 12% được công bố vào năm 2020.
Do đó, thanh khoản thị trường năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp trong nửa đầu năm cùng với kinh tế phục hồi trên diện rộng trong nửa sau của năm. Các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là động lực chính của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ quay trở lại, nhờ triển vọng đồng
VND tăng giá.
SSI ước tính giá trị giao dịch sẽ duy trì ở mức nửa cuối tháng 12/2020 (với giá trị giao dịch trung bình ngày là 16,4 nghìn tỷ đồng) trong 4 tháng đầu năm 2021. Tổng giá trị giao dịch cả năm 2021 ước tính tăng 47,3%, với giá trị giao dịch trung bình ngày khoảng 10,9 nghìn tỷ đồng. Các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh về thu nhập phí môi giới chứng khoán và thu nhập cho vay margin.
SSI cũng dự báo dư nợ cho vay margin sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, do thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường gia tăng. Quan trọng hơn, các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng. So với cho vay margin truyền thống, các công ty chứng khoán còn nhiều cơ hội để mở rộng các khoản vay kinh doanh cho doanh nghiệp trên quy mô rộng hơn nhiều.
Dịch vụ ngân hàng đầu tư cũng được ước tính sẽ tăng trưởng do triển vọng lợi nhuận chung các doanh nghiêp cải thiện trong các năm 2020 và 2021. Các hoạt động IPO và M&A sẽ tiếp tục trở lại, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021.
Ngược lại, khối lượng phát hành trái phiếu ước tính giảm do các hạn chế từ Nghị định 81 về chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, một số ít công ty chứng khoán (TCBS,
VPS,
MBS, VNDirect...) có thể tiếp tục thu phí từ việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn dài đã phát hành trong những năm trước.
Ngoài ra, thu nhập tự doanh nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức tích cực, với kịch bản VN-Index sẽ tăng khoảng 12,3% trong năm 2021.
Mặc dù ngành chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận khá trong năm nay nhưng theo nhìn nhận của
SSI, triển vọng tăng trưởng này dường như đã phản ánh vào giá. "Do đó, chúng tôi đánh giá Trung lập đối với lĩnh vực này", nhóm chuyên gia của
SSI khuyến nghị.
Tính đến cuối năm 2020, các công ty chứng khoán giao dịch tại P/E quá khứ là 18,2 lần và P/B quá khứ là 1,59 lần, so với mức tương ứng là 9,6 lần và 0,76 lần vào năm 2019. Mức đỉnh trước đó của ngành vào tháng 4/2018 là 14 lần và 1,6 lần. Như vậy, định giá P/E hiện tại của ngành này đã vượt đỉnh.
Dù vậy, nếu so với các công ty cùng ngành trong khu vực hiện giao dịch ở mức P/E và P/B là 35,1 lần và 1,68 lần với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình là 2,26%, thì "cửa" tăng giá cổ phiếu chứng khoán Việt Nam cũng chưa phải đã đóng.
Rủi ro chính đối với ngành hiện tại là tỷ suất lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm, bao gồm cả cho vay margin và môi giới chứng khoán, do áp lực cạnh tranh gay gắt. Lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm có thể dẫn đến thanh khoản thị trường kém hơn và thu nhập giảm.