Theo TS. Cấn Văn Lực, lộ trình trích lập dự phòng rủi ro theo dự thảo sửa đổi Thông tư 01 là 3 năm bắt đầu từ năm 2021, nhằm tránh gây ra "cú sốc" về lợi nhuận. Vị chuyên gia này dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 trên tinh thần sửa đổi Thông tư 01 như trên, sẽ chỉ tương đương năm 2020, tức là khoảng 10%.
Chia sẻ tại hội thảo "Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán" diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực đánh giá năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã tăng trưởng khá tốt với mức tăng lợi nhuận khoảng 10%.
Tuy vậy, mức tăng này mới chỉ bằng khoảng 1/2, 1/3 các năm trước - thường ghi nhận tăng trưởng khoảng 20-25%/năm.
Năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chưa chắc sẽ "mỹ mãn" nếu như thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành.
Vị chuyên gia này cho biết Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 theo hướng: sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây, tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng rủi ro căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó.
Lộ trình trích lập dự phòng rủi ro là 3 năm bắt đầu từ năm 2021, nhằm tránh gây ra "cú sốc" về lợi nhuận.
"Lượng nợ được cơ cấu lại tính đến cuối năm 2020 vào khoảng 350.000 tỷ, trong đó giả sử một nửa trong số đó trở nên xấu hơn, tương đương khoảng 2% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ trở nên xấu hơn. Cộng với khoảng 2% nợ xấu nội bảng hiện nay, tỷ lệ nợ xấu năm nay có thể ở mức trên 3%, thậm chí là gần 4%. Vì vậy, chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ xấu năm 2021 có thể nhích lên khoảng 3-3,5%", TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho hay.
Nguy cơ nợ xấu gia tăng, hệ thống ngân hàng theo đó sẽ phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Trên tinh thần sửa đổi Thông tư 01 theo hướng như vậy, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 "may ra sẽ được như năm 2020, tức là tăng khoảng 10%".
Theo tìm hiểu, Ngân hàng Nhà nước hiện đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều về Thông tư 01/2020. Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo nội dung sửa đổi, TCTD sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/3/2021. Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Số dư nợ của các khoản nợ trên sẽ được cơ cấu lại thời gian trả nợ bao gồm: số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng thỏa thuận; số dư nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời hạn từ 23/1/2020 đến 29/3/2020; số dư nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 10/6/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề 15 ngày kể từ ngày Thông tư 01 sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, Thông tư 01 sửa đổi quy định TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cả các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch theo quy định tại Thông tư.
Nếu chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng với số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lớn hơn 0, TCTD phải trích bổ sung dự phòng theo tỷ lệ trên số tiền chênh lệch thời điểm Thông tư sửa đổi có hiệu lực đến hết 31/12/2021, tối thiểu 30% số tiền chênh lệch. Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022 tối thiểu 60% số tiền chênh lệch và từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023 là 100% số tiền chênh lệch.
Từ ngày 1/1/2024, các TCTD quay trở lại xác định phân loại nợ và trích lập bình thường theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.