• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
09 Tháng Mười Một 2024 4:53:40 SA - Mở cửa
Xuất khẩu cao su dự báo một năm nhiều thuận lợi
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam | 23/02/2022 7:25:00 CH
Sau khi đạt kỷ lục cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong 2021, ngành cao su hứa hẹn có nhiều cơ hội để tiếp tục xuất khẩu thành công trong năm nay.
 
Giá cao duy trì từ đầu năm
 
Dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, 2021 vẫn là một năm đầy thành công trong xuất khẩu cao su của Việt Nam khi thiết lập 2 kỷ lục mới về cả lượng và trị giá.
 
Trong 2021, nước ta đã xuất 1,955 triệu tấn cao su, đây là khối lượng cao su xuất khẩu nhiều nhất một năm trong lịch sử ngành cao su Việt Nam.
 
Về trị giá, trong năm qua, xuất khẩu cao su đạt 3,278 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Với kim ngạch xuất khẩu này, 2021 cũng là năm đánh dấu xuất khẩu cao su quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm.
 
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, năm 2022, xuất khẩu cao su Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, châu Âu tiếp tục cao khi kinh tế hồi phụ mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
 
Sự thành công của xuất khẩu cao su trong năm 2021 có nguyên nhân rất quan trọng là do nhu cầu cao su trên thế giới phục hồi và ở mức cao hơn so với sản lượng.
 
Nhờ vậy, giá cao su trên thị trường thế giới nói chung, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam nói riêng đã tăng cao so với trước đó. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2021 ở mức 1.677 USD/tấn, tăng 23% so với 2020.
 
Trong tháng đầu tiên của năm nay, giá cao su xuất khẩu vẫn ở mức cao. Cụ thể, trong tháng 1, xuất khẩu cao su đạt 192.724 tấn, trị giá hơn 331 triệu USD. Tính ra, giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 1 ở mức 1.718 USD/tấn.
 
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, trong ngắn hạn, giá cao su có thể sẽ tiếp tục tăng do cây cao su bước vào thời kỳ nghỉ khai thác, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ đông.
 
Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị hạn chế bởi sự lan rộng của biến thể Covid-19 mới trên toàn cầu, cùng với sự chậm lại trong sản xuất ô tô đã làm tăng lên mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường yếu đi.
 
Tại Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam, diễn ra vào cuối năm 2021, ông Dar Wong, Giám đốc đầu tư của Công ty Tư vấn ALA, cho rằng, trong quý 1/2022, khả năng rất lớn thị trường sẽ phục hồi lại và giá cao su trên thị trường thế giới sẽ nằm ở khoảng 2.000–2.100 USD/tấn. Nhìn chung, trong cả năm 2022, giá cao su sẽ tăng lên khá mạnh, có nhiều hỗ trợ và sẽ nằm trong mức từ 2,1-3,8 USD/kg.
 
Nhu cầu cao su dự báo tiếp tục tăng
 
Những dự báo cho thấy nhu cầu cao su trên thế giới vẫn đang có xu hướng tăng lên. Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), cho hay, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022.
 
Vì vậy, triển vọng ngành cao su toàn cầu trong năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
 
 
Nhu cầu cao su đang tiếp tục tăng lên trên toàn cầu. Ảnh: Trần Trung.
 
ANRPC dự báo, mức tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 4-5% so với năm 2021. Ngoài việc nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.
 
Cùng với nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các thị trường này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.
 
Những tín hiệu tích cực về mặt thị trường được thể hiện khá rõ về nhu cầu từ 2 thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam là Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam năm 2021 với lượng và trị giá xuất khẩu sang nước này trong năm 2021 là 1,4 triệu tấn và 2,3 tỷ USD. Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.
 
Trong đó, chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, mỗi tháng, quốc gia này thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên. Do đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt trong 5 tháng cuối năm 2021 và dự báo sẻ phải nhập thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2022.
 
Còn theo dự báo của Tổng cục Cao su Ấn Độ, trong năm 2022, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này chỉ đạt 800.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1.240.000 tấn. Như vậy, Ấn Độ cần nhập khẩu 440.000 tấn cần nhập khẩu.
 
Do nhu cầu nhập khẩu cao su của Ấn Độ tăng cao nên trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Ấn Độ 119.000 tấn cao su, trị giá 212 triệu USD, tăng tới 93,9% về lượng và 138,1% về trị giá.
 
Nguồn cung sẽ thiếu hụt
 
Trong khi nhu cầu cao su trên thế giới đang có xu hướng tiếp tục tăng lên, nguồn cung lại đang bắt đầu thiếu hụt so với cầu.
 
Theo ANRPC, qua số liệu thống kê sơ bộ, trong năm 2021, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu là hơn 14 triệu tấn. Mức thâm hụt lên tới khoảng 200 nghìn tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu đang tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu và sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn.
 
Dự báo này đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá xu hướng trồng và khả năng mở rộng diện tích cây cao su trưởng thành ở các quốc gia sản xuất cao su. Như vậy, với dự báo trên, ngành cao su tự nhiên toàn cầu hiện đã thoát ra khỏi thời kỳ nguồn cung dư thừa kéo dài.
 
Còn theo Ban Thị trường Kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tình hình thời tiết tại các khu vực khai thác cao su thiên nhiên như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và bệnh rụng lá tại Thái Lan và Ấn Độ, đã buộc các nhà đầu cơ phải thay đổi suy nghĩ cũng như quay lại thị trường hàng hóa sớm hơn dự kiến.
 
Ngoài các điều kiện nêu trên, các chuyên gia cũng cho biết các cơn mưa trái mùa tại Thái Lan và Việt Nam đã làm cho hiện tượng rụng lá sinh lý ở cây cao su năm nay đến sớm hơn, có thể làm giảm sản lượng rất nhanh trong thời gian tới.
 
Theo Ban Thị trường Kinh doanh (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất hiện biến chủng mới Omicron, giá nguyên liệu tăng cao, tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao dự báo kéo dài sang tận năm 2022 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung cũng như hoạt động xuất khẩu cao su nói riêng.
 
Để để đối phó với tình hình giá cước cao và bất ổn tiếp tục trong 2022, bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng ban Dịch vụ Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho rằng nên xem xét khả năng thuê tàu rời đối với các lô hàng xuất khẩu số lượng lớn. Đồng thời, cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng cao su theo mô hình tăng cường thu hút đầu tư về sản xuất cao su tổng hợp, sản xuất sản phẩm cao su dùng trong công nghiệp, y tế. Ngoài ra, các hiệp hội cần hợp tác để xây dựng lại sơ đồ chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên và tổng hợp với các số liệu cập nhật để tìm giải pháp cắt giảm chi phí logistics.