Tình trạng sụt giảm đơn hàng trong các tháng cuối năm 2022 đã cho thấy sự phát triển mất cân đối của các DN gỗ Việt Nam khi chỉ tập trung cho khâu sản xuất mà ít chú trọng tới mảng thị trường. Do đó, hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại đang được tích cực triển khai để đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thế đứng vững chắc cho ngành gỗ.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN
Tín hiệu sáng
Theo chia sẻ của các DN xuất khẩu đồ gỗ, nội thất, sau khi sụt giảm rất mạnh trong nửa cuối năm 2022, những tín hiệu tích cực hơn đã bắt đầu xuất hiện trở lại đối với ngành gỗ Việt Nam. Tương tự, bà Lê Thị Bích Cảnh, Giám đốc Công ty Gỗ Mỹ Đức - một DN chuyên cung cấp gỗ nguyên liệu cho ngành sản xuất nội thất, cho biết, khi đơn hàng của ngành gỗ giảm sâu vào các tháng cuối năm 2022, giá gỗ nguyên liệu cũng sụt giảm rất mạnh. Nhưng hiện, giá gỗ nguyên liệu đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại, cho thấy nhu cầu đã dần hồi phục. Tuy nhiên, bà Lành cũng cho biết, đơn hàng mới chỉ trở lại ở một số DN.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST):
Nhờ sự hỗ trợ của các sản phẩm trung gian, trong đó chủ yếu là viên nén và dăm gỗ, nên tình hình của của ngành gỗ vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, do tác động của thị trường nên hoạt động xuất khẩu của các sản phẩm chế biến sâu, cụ thể là đồ nội thất, bị sụt giảm. Dù hiện tại thị trường đang ấm dần lên, nhưng vẫn cần thời gian để thực sự hồi phục. Theo đó, dự báo xuất khẩu gỗ trong quý 1/2022 sẽ chỉ đạt 50% so với cùng kỳ các năm trước, sau đó cải thiện lên khoảng 60% trong quý 2 và đạt khoảng 65-70% trong quý 3, 4. Tính chung cả năm 2023, ngành gỗ dự kiến doanh số xuất khẩu sẽ đạt 17,5 tỷ USD, tương ứng mức tăng trưởng chỉ 2,5% - mức thấp nhất từ trước đến nay.
Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty nội thất New GBI chia sẻ rằng đang có sự dịch chuyển của các khách hàng từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đó, thị trường đã bắt đầu ổn định trở lại, tiêu thụ hàng hoá tại EU dần tốt lên nên các nhà mua hàng trở lại đặt hàng. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc hiện vẫn còn khó khăn về giá cả và chuỗi cung ứng chưa ổn định nên các nhà mua hàng chuyển qua tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam. “Rất nhiều khách hàng hỏi chúng tôi về các nhà cung cấp Việt Nam” – ông Lành cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Chủ tịch HĐQT Công ty AA, cũng chia sẻ rằng gần đây Công ty AA đã nhận được đơn hàng của một khách sạn lớn ở Israel và nhận được đề nghị bán hàng cho Hy Lạp – 2 thị trường hoàn toàn mới của AA. Đây là tín hiệu rất tốt cho thấy cơ hội của ngành gỗ Việt Nam tại các thị trường mới này.
Tương tự, bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc Kinh doanh Công ty gỗ Minh Dương cũng cho hay, khi các thị truờng truyền thống là Mỹ và EU gặp khó khăn, công ty cũng nhận được một số đơn hàng mới đến từ thị trường Trung Đông. Bà Tuệ lý giải, trước đây thị hiếu tiêu dùng tại Trung Đông mang tính chất thiên về tôn giáo với các thiết kế cổ điển. Do đó, các nhà sản xuất tại Malaysia đáp ứng rất tốt nhu cầu này. Nhưng thị hiếu thế hệ trẻ hiện nay đã thay đổi, hướng đến những sản phẩm có thiết kế đẹp và nguyên liệu có giá trị cao hơn, đồng thời sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn. Do đó, đây là cơ hội tốt cho các nhà cung cấp của Việt Nam.
Dồn lực đầu tư phát triển thị trường
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đánh giá, trong nhiều năm qua, tình hình thị trường của ngành gỗ rất tốt nên các nhà máy chỉ tập trung xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất mà không chú trọng nhiều cho phát triển thị trường. Nhưng với tình hình kém thuận lợi như hiện tại, các DN cần phải tập trung nhiều hơn cho hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng. “Trong khi tại các khu công nghiệp, các nhà máy FDI vẫn sáng đèn thì các DN Việt Nam lại nghỉ Tết từ sớm và sau Tết trở lại làm muộn. Điều này cho thấy thị trường là một vế rất quan trọng của kinh doanh, nếu sản xuất mạnh mà thị trường yếu thì sẽ mất cân đối. Các DN cần tập trung nhiều hơn cho vế này trong năm 2023 và cả các năm tiếp theo” – ông Lập nhấn mạnh.
Thực hiện kế hoạch phát triển thị trường, mới đây, 5 hiệp hội gồm VIFOREST, HAWA, BIFA (Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương), DOWA (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai), FPA Bình Định (Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định) đã cùng hợp tác thành lập Công ty Viforest Fair để phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ. Theo đó, Viforest Fair sẽ khởi động bằng Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TPHCM - HawaExpo 2023 tại TPHCM vào cuối tháng 2 tới. Ông Đỗ Xuân Lập cho biết, Forest Fair sẽ là cầu nối cho các DN gỗ Việt Nam với các các thị trường và các tổ chức quốc tế, qua đó nâng tầm hoạt động xúc tiến thương mại của ngành gỗ. Thông qua hội chợ, các DN sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực để tham gia các hội chợ quốc tế và xa hơn nữa là mở được các cửa hàng, văn phòng, công ty ở nước ngoài. Đây là con đường dài mà bắt buộc các DN phải đi để ngành gỗ phát triển vững chắc.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu gỗ. Nhưng hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ của Việt Nam vẫn thua kém rất nhiều so với các nước. Quy mô các gian hàng hội chợ của Việt Nam chỉ đứng thứ 4 tại Đông Nam Á, như vậy là chưa xứng tầm với nền công nghiệp gỗ của Việt Nam. Trong khi đó, hội chợ là kênh tốt nhất để các DN ngành gỗ có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và giới thiệu sản phẩm của mình một cách tiết kiệm nhất. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2030 của ngành gỗ.
Ông Khanh đánh giá, TPHCM có vị trí rất đắc địa để tổ chức các hội chợ lớn cho ngành gỗ. Trước tiên là hạ tầng du lịch rất tốt và chỉ cần mất 30-45 phút để khách hàng có thể trực tiếp tham quan các xưởng lớn tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Đây là thuận lợi rất lớn so với các hội chợ tổ chức ở các quốc gia khác và Việt Nam cần tranh thủ tận dụng lợi thế này cho các hội chợ của ngành gỗ Việt Nam.
Cùng quan điểm với ông Khanh, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt cho biết, dù thương mại điện tử đã phát triển khá mạnh, nhưng đặc thù của ngành gỗ là bên cạnh hiệu quả sử dụng, người mua hàng còn quan tâm tới kết cấu, thẩm mỹ của sản phẩm. Do đó, khách hàng muốn được trực tiếp nhìn, chạm vào sản phẩm, đồng thời tới trực tiếp nhà máy để xem thiết bị sản xuất, năng suất, hệ thống quản trị… Do đó, ông Liêm rất kỳ vọng hội chợ lần này sẽ giúp khơi thông đơn hàng cho các DN.
Tương tự, ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty gỗ Minh Thành cho biết, công ty đã hẹn rất nhiều khách hàng tới gian hội chợ HawaExpo và làm việc với công ty trong dịp này. Bên cạnh đó, công ty cũng đã xây dựng chương trình tiếp cận khách hàng tại các hội chợ quốc tế như hội chợ tại Las Vegas vào tháng 7 tới.
Ông Lập cho biết thêm, trong năm 2023, ngành gỗ sẽ tổ chức 2 hội chợ là HawaExpo vào tháng 2 và hội chợ chuyên về máy móc thiết bị và nguyên liệu tại Bình Dương. Tiếp đó, trong năm 2024, ngoài 2 hội chợ tương tự như trên sẽ có thêm 2 hội chợ về hàng ngoại thất tại Bình Định và hội chợ đa ngành tại Hà Nội. Ngoài ra, ngành gỗ sẽ vận động hội viên tham gia các hội chợ quốc tế tại Mỹ, Đức…