Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 23/8, sắc đỏ đã áp đảo nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. VN-Index về giữa trưa vẫn nằm dưới tham chiều với mức giảm vài điểm...
Chứng khoán phiên sáng 23/8: Dư âm giảm còn đó, VN-Index đỏ nhẹ dưới tham chiếu
Tính đến 9h30, VN-Index hiện giảm 3,27 điểm (-0,26%) xuống 1.257,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.346 tỷ đồng. HNX-Index giảm 1,02 điểm (-0,35%) xuống 293,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,6 triệu cổ phiếu, trị giá 313 tỷ đồng. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 92,18 điểm.
Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 23/8, sắc đỏ đã áp đảo nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, VRE giảm 1,5%, HDB giảm 1%, VPB giảm 1,1%, ACB giảm 1%, SAB giảm 1%, VJC giảm 0,7%...
Tuy nhiên, đà giảm của thị trường được kìm hãm lại do lực đẩy từ nhiều mã vốn hóa lớn khác như BCM, MWG, VNM, VCB... Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí có biến động tích cực bất chấp giá dầu đi xuống. PVS tăng 0,7%, GAS tăng 1,4%, PVD tăng 0,2%...
Phiên giao dịch ngày 22/8, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.260,43, giảm 8,75 điểm (-0,69%). Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức ổn định khi có hơn 600 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức gần 15 nghìn tỷ đồng. Sắc đỏ gần như bao phủ toàn bảng điện khi có tới 326 mã giảm điểm, trong khi đó số lượng mã tăng chỉ là 130, còn lại là 70 mã đóng cửa tham chiếu.
Theo Chứng khoán Asean (AseanSC), VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.255 – 1.260 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.245 – 1.250 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường vẫn còn tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh và chúng ta cần chờ tín hiệu xác nhận vùng hỗ trợ 1.255 điểm của VN-Index hoặc tín hiệu hỗ trợ khác mạnh hơn.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 22/8 đồng loạt lao dốc, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022, khi đà leo dốc mùa hè dần kết thúc và lo ngại về việc nâng lãi suất quyết liệt đã quay trở lại Phố Wall. Kết thúc phiên giao dịch 22/8, chỉ số Dow Jones mất 643,13 điểm (tương đương 1,91%) xuống 33.063,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,14% xuống 4.137,99 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 2,55% còn 12.381.57 điểm. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 16/6/2022 đối với cả Dow Jones và S&P 500.
Theo CNBC, đây là phiên giao dịch tiêu cực nhất với cả S&P 500 và Dow Jones kể từ ngày 16/6. Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã diễn biến bi quan, S&P 500 chấm dứt chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp trước đó. Mặc dù vậy, chỉ số đại diện thị trường này hiện vẫn cao hơn đáy hồi giữa tháng 6 khoảng 13%.