Với biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày lên đến 15%, gấp đôi so với HoSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%), nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến những mã cổ phiếu trên UPCoM để có cơ hội tìm kiếm những “món hời”.
Trước đây, các nhà đầu tư thường lựa chọn những cổ phiếu tốt trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, đến nay, một số nhà đầu tư dường như đã thay đổi "khẩu vị" khi có xu hướng tìm kiếm điều này trên sàn UPCoM - vốn được coi là "sân chơi hạng 2". Nhờ đó, sàn UPCoM đang dần trở nên lớn mạnh, thậm chí “vượt mặt” HNX cả về số lượng doanh nghiệp cũng như quy mô thị trường mặc dù thanh khoản vẫn chưa được đánh giá cao khi chỉ bằng 1/10 sàn HoSE.
Lời cao từ cổ phiếu thị giá thấp
Theo chia sẻ của nhà đầu tư Nguyễn Nhật Nam: “Lựa chọn cổ phiếu trên sàn UPCoM khó hơn sàn HoSE hay HNX. Song, nếu chịu khó chắt lọc sẽ tìm được cổ phiếu đáng để đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn, vì nhiều cổ phiếu trên sàn này vẫn đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư như “game” chuyển sàn, tái cấu trúc, thoái vốn, M&A… Đặc biệt là biên độ giá cổ phiếu cao hơn hẳn HoSE và HNX”.
Cùng chung quan điểm với anh Nam, một số nhà đầu tư hiện nay cũng đang có xu hướng lựa chọn nhiều mã cổ phiếu trên sàn UPCoM dựa vào yếu tố định giá thấp và khả năng sinh lời nhanh, bởi biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày lên đến 15%, gấp đôi so với HoSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%).
Một số nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến những mã cổ phiếu trên UPCoM để có cơ hội tìm kiếm những “món hời”. (Ảnh: Int)
"Tính đến ngày 21/10/2021, giá trị vốn hóa sàn UPCoM đã đạt mức 1,42 triệu tỷ đồng (tăng gần 50% so với đầu năm), gấp hơn 3 lần sàn HNX và bằng 26% sàn HoSE. Trong số 903 doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, 23 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng"...
Bên cạnh đó, trên sàn UPCoM hiện nay có không ít doanh nghiệp kinh doanh khá hiệu quả và có tỷ lệ thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cao (từ 10% trở lên). Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng ít có các đợt tăng vốn với số lượng khủng như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE và HNX, nên cổ phiếu ít khi bị pha loãng.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp hiện nay mặc dù đủ tiêu chuẩn để niêm yết trên sàn HoSE hay HNX nhưng vẫn đang ở lại sàn UPCoM với lý do có thể là tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông đại chúng thấp, trong khi cổ đông nội bộ không có nhu cầu giao dịch nên không có nhu cầu chuyển sàn. Không chỉ vậy, khi ở UPCoM, doanh nghiệp không phải chịu nhiều áp lực về công bố thông tin cũng như các nghĩa vụ khác như ở 2 sàn kia.
Có thể kể đến một số các doanh nghiệp trên sàn UPCoM có chất lượng không hề thua kém VN30 như: Tổng CTCP Công trình Viettel (mã:
CTR), CTCP Đầu tư Sài Gòn
VRG (
SIP), Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (
SNZ), CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (
VRG), Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (
ACV), CTCP Masan High - Tech Materials (
MSR),…
Xác định được điều đó, nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tập trung “gom hàng” trong vài tháng để có được số lượng triệu đơn vị trong danh mục rồi chờ đợi thị trường nhận ra giá trị doanh nghiệp, giúp giá cổ phiếu tăng cao để kiếm lời.
“Khi đầu tư, tôi không quan tâm đến tính thanh khoản của cổ phiếu, quan trọng là cổ phiếu thật sự rẻ và doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng dài hạn”, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư Quỹ
AFC Vietnam Fund cho biết.
Có thể thấy, nếu như trước kia, những nhà đầu tư thường bỏ công tìm kiếm cổ phiếu tốt trên sàn HoSE và HNX thì hiện nay lại có khá nhiều người theo xu hướng lựa chọn trên sàn UPCoM. Nhờ đó, dòng tiền ào ạt đổ vào UPCoM, giúp chỉ số UPCoM-Index tăng điểm và thanh khoản cải thiện mạnh.
Chẳng hạn, trong phiên kỷ lục ngày 3/11 vừa qua, sàn UPCoM có 92 mã cổ phiếu trần, còn sàn HoSE chỉ có 28 mã cổ phiếu tăng trần, HNX có 17 mã tăng trần. Trong đó, hầu hết các cổ phiếu tăng trần ở UPCoM đều có thị giá thấp như
ALV,
APT,
AVF,
BAL, BHC.
Hay như phiên mới đây (12/11) cũng ghi nhận số mã cổ phiếu tăng trần lên đến 203, trong đó có 127 mã trên sàn UPCoM. Đáng chú ý, nhiều mã kịch trần trên UPCoM đều có hiện tượng "trắng bên bán" và một số mã cổ phiếu dư mua giá trần hàng triệu đơn vị như
PVX tăng kịch trần 12,8%, dư mua giá trần hơn 11 triệu đơn vị;
PPI tăng 12,5% và dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị;
GTT tăng 14,3% với dư mua giá trần hơn 6 triệu đơn vị...
Nâng "chất" cổ phiếu từ tăng minh bạch hóa thông tin
Nếu như vào thời điểm cuối tháng 4/2021, UPCoM-Index mới chỉ ở mức 47,7 điểm thì đến cuối tháng 10/2021 đã lên tới 105 điểm. Xét về thanh khoản, trung bình giá trị giao dịch trong tháng 8 đạt từ 1.100 - 2.000 tỷ đồng/phiên, riêng phiên 20/8 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Trong tháng 9 và 10, thanh khoản dao động từ 1.700 - 2.700 tỷ đồng/phiên, riêng phiên 11/10 đạt 4.300 tỷ đồng.
Không chỉ khối lượng giao dịch của nhà đầu tư trong nước tăng, mà khối ngoại cũng ngày càng quan tâm đến sàn này. Cụ thể, trong quý III/2021, khối ngoại đã mua ròng 613 tỷ đồng, tập trung nhiều ở các mã
HHV,
QNS,
VEA,
ACV,
TV6.
Diễn biến chỉ số UPCoM-Index và khối lượng giao dịch tháng 10/2021. (Nguồn: HNX)
"HNX sẽ duy trì các chương trình quản trị công ty dành cho doanh nghiệp trên UPCoM, nhất là đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch dành cho doanh nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, sẽ liên tục nâng cấp bộ tiêu chí để giúp doanh nghiệp tiếp cận với các thông lệ mới, áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp."
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, Công ty chứng khoán Tp.HCM cho biết, với hơn 900 mã cổ phiếu, tính đến ngày 21/10, giá trị vốn hóa trên UPCoM đã tăng gần 50% so với đầu năm, đạt mức 1,42 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần sàn HNX và bằng 26% sàn HoSE.
Xét về sự phân bổ của các sàn giao dịch, hiện có 48 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên sàn HoSE, 12 doanh nghiệp trên sàn UPCoM - “vượt” hẳn HNX khi chỉ có vỏn vẹn 2 doanh nghiệp là CTCP Thaiholdings (
TDH) và Tổng công ty IDICO-CTCP (
IDC) với mức vốn hóa lần lượt là 3,6 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.
Theo tìm hiểu, sự tăng trưởng mạnh mẽ này bắt đầu từ khi Thông tư 180/2015/TT-
BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực, hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã dần “tìm đến” và giao dịch trên sàn UPCoM như Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (
ACV), VEAM (
VEA), Việt Tiến (
VGG), Vinatex (
VGT), Viettel Post (
VTP), Viettel Global (
VGI), Genco 3 (
PGV), Tổng công ty Hàng hải - VIMC (
MVN)…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn như Masan Consumer (
MCH), Masan Meat Life (
MML)… cũng đăng ký giao dịch trên UPCoM thay vì chọn niêm yết trên HNX và HoSE, giúp thị trường này thêm phần sôi động.
Tuy nhiên, thị trường UPCoM vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của nhiều doanh nghiệp trên sàn còn rất thấp do Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, nên nguồn cung cổ phiếu bị hạn chế. Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu trên sàn UPCoM hầu hết chưa được phép giao dịch margin (ký quỹ) nên sức hấp dẫn cũng bị thu hẹp. Ngoài ra, nguy cơ thua lỗ cũng sẽ tương ứng với biên độ giá cao nếu thị trường quay đầu giảm điểm.
Đáng chú ý, tháng 8/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa thêm 80 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vào danh sách các công ty có cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do các doanh nghiệp không công bố thông tin về họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
“Sàn UPCoM hiện nay có quy mô lớn cả về giá trị vốn hóa và số lượng doanh nghiệp, song thanh khoản nhìn chung vẫn ở mức thấp, chủ yếu do tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp và chưa được phép margin trong khi hầu hết các nhà đầu tư có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các công cụ đòn bẩy tài chính”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE) nhận định.
Theo HNX, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, Sở sẽ duy trì các chương trình quản trị công ty dành cho doanh nghiệp trên UPCoM, nhất là đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch dành cho doanh nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, sẽ liên tục nâng cấp bộ tiêu chí để giúp doanh nghiệp tiếp cận với các thông lệ mới, áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp.
Qua đây, các chuyên gia phân tích cũng đưa ra một số lời khuyên cho các nhà đầu tư. Đó là, lựa chọn doanh nghiệp có công bố, công khai rõ ràng, minh bạch và ưu tiên cho doanh nghiệp chất lượng cao, có uy tín và giá cả hợp lý. Không đầu tư vào cổ phiếu có sự biến động mạnh bất thường, không nắm chắc và nên có phương án phòng ngừa và cắt lỗ hợp lý. Ngoài ra, cần lưu ý về thời điểm để có thể mua bán được giá tốt nhất.